Trong dự thảo Nghị quyết về giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững, Chính phủ đề xuất dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Cùng đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng công bố đã họp với 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và thống nhất dành một gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.
Sự xuất hiện của hai gói tín dụng tạo sự hứng khởi cho thị trường BĐS nói chung và nhiều người có nhu cầu mua nhà nói riêng. Các chuyên gia nhận định, gói tín dụng trên sẽ giúp tháo gỡ bài toán thiếu hụt nguồn cung nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên, vấn đề được nhiều người mua nhà quan tâm hiện nay là ai sẽ được vay vốn từ hai gói tín dụng trên và làm sao để tiếp cận được các gói vay này?
Hai gói tín dụng mới dành cho bất động sản được kỳ vọng sẽ rã băng thị trường và làm gia tăng thanh khoản.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, gói tín dụng 110.000 tỷ đã được Thủ tướng đồng ý đưa vào Nghị quyết sắp tới là dành cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được phân định rõ 55.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư vay còn 55.000 tỷ đồng cho người dân vay. Gói này sẽ phân bổ giống gói 30.000 tỷ đồng được áp dụng trong năm 2013 cho nhà ở xã hội. Còn với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng thì sẽ thống nhất dành cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5-2% so với lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.
Chia sẻ về hai gói tín dụng mới, các chuyên gia trong ngành cho biết, người đủ điều kiện mua các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân sẽ là nhóm đối tượng chính được hỗ trợ vay từ gói 110.000 tỷ đồng. Còn với gói 120.000 tỷ đồng, khả năng sẽ mở rộng thêm cho nhóm người mua nhà có thu nhập thấp và nhà ở bình dân.
Chia sẻ trên báo chí gần đây, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia cho biết, gói tín dụng 110.000 tỷ Bộ Xây dựng đang đề xuất sẽ nằm trong đề án tổng thể về phát triển nhà ở xã hội. Với gói 120.000 tỷ đồng thì đây sẽ là chương trình cam kết của các Ngân hàng thương mại với lãi suất ưu đãi hơn dành cho doanh nghiệp và người mua nhà. Nếu xét trên lãi suất hiện tại thì lãi suất cho vay gói 120.000 tỷ đồng vẫn ở mức trên dưới 10%. Vì là gói tín dụng từ khối ngân hàng thương mại, gói 120.000 tỷ đồng có thể triển khai cho vay sớm trong thời gian tới và phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của thị trường.
Với gói tín dụng 110.000 tỷ đồng nằm trong chương trình cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, người mua có thể được hưởng mức lãi suất hàng năm ở mức 4,8-5% giống như các gói cho vay mua nhà ở xã hội đang áp dụng thời gian qua. Như vậy, nếu muốn hưởng ưu đãi từ gói vay này, người mua nhà và doanh nghiệp đều phải đáp ứng đủ các tiêu chí về điều kiện phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã được quy định trước đó.
Bên cạnh dòng vốn, rào cản pháp lý cũng cần phải cởi bỏ nếu muốn thị trường BĐS phục hồi và tăng trưởng.
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam cho rằng, hiện nay giá BĐS Việt Nam đang ở mức tương đối cao so với thu nhập của đa số người dân. Người Việt Nam trung bình cần ít nhất hơn 23 năm có thu nhập để mua được nhà ở. Để giải quyết bài toán nhà ở, bên cạnh hỗ trợ lãi suất, cần phải thúc đẩy phát triển nhiều hơn sản phẩm nhà ở bình dân, nhà cho người thu nhập thấp và nhà ở xã hội. Nguyên nhân cốt lõi của việc thiếu thanh khoản và thị trường trầm lắng hiện nay là do giá nhà cao xuất phát từ việc chênh lệch cung và cầu, nguồn cung khan hiếm không chỉ ở dự án NOXH mà thậm chí dự án nhà trung, cao cấp cũng rất ít.
Xét về mặt định hướng của Chính phủ trong phát triển NOXH, việc triển khai hai gói tín dụng hỗ trợ trên đều mang lại yếu tố tích cực cho thị trường nhưng để đi vào triển khai thực tế thì có thể sẽ không dễ để doanh nghiệp hay người mua nhà có thể tiếp cận. Theo ông Tuấn, khó khăn về pháp lý trong triển khai vẫn là nguyên nhân khiến nguồn cung NOXH ít ỏi. Hiện tại phải mất từ 1-2 năm mới xử lý được pháp lý, quỹ đất cho một dự án, thậm chí nhiều dự án đã được phê duyệt nhưng vẫn không thể đưa ra ngoài thị trường. Việc kéo dài nhiều năm khiến CĐT dự án không còn mặn mà với loại hình này trong khi sống còn của doanh nghiệp vẫn là phải có lợi nhuận.
“Nguồn tín dụng cho phát triển NOXH, nhà ở công nhân từ ngân hàng không phải chỉ có gói 110.00 tỷ đồng hay gói 120.000 tỷ đồng mà trước đó nhu cầu vay cho các dự án nhà ở thật, NOXH vẫn được ủng hộ giải ngân. Khó khăn cho người mua là pháp lý dự án và điều kiện tham gia mua nhà. Nếu điều kiện quá khó kèm theo nguồn cung ra ngoài không nhiều thì việc đưa hai gói này vào thị trường cũng sẽ rất khó mang lại ý nghĩa tích cực cho thị trường. Vì vậy, cần làm sao để chủ trương có thể đi sâu vào đời sống thực tế mới là yếu tố quyết định”, ông Tuấn cho hay.
Nguồn: https://batdongsan.com.vn/wiki/ai-se-duoc-vay-mua-nha-tu-2-goi-tin-dung-moi-cd-hcm-110597