Thành phố Long Khánh (Đồng Nai) được ví như “Đà Lạt” ở miền Đông Nam bộ nên du khách hay đi dã ngoại về địa phương này để nghỉ ngơi, chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên giữa khí trời lành lạnh.

Thành phố Long Khánh sẽ được đánh thức như thế nào? – Video: Truyền hình báo Tuổi Trẻ

Nơi có nhiều sản phẩm ẩm thực, di tích văn hóa

Trên đường vào phường Suối Tre, anh Trung Tân – người dân ở TP.HCM hay dã ngoại về đây – kể: “Ngày cuối tuần, nhóm chúng tôi hay kéo tới Long Khánh để nghỉ ngơi, chụp hình lưu niệm ở các khu di tích và vào các nhà vườn để thưởng thức các loại trái cây đặc sản chôm chôm, sầu riêng, măng cụt…”.

Theo anh Tân, ở vùng Đông Nam bộ chỉ Long Khánh có khí hậu mát mẻ, cây xanh bao phủ nhiều nơi nên đã kéo được du khách thích đi du lịch sinh thái. “Long Khánh còn là cửa ngõ ra vào các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP.HCM. Nếu đầu tư bài bản chắc chắn thành phố này sẽ phát triển sôi động”, anh Tân chia sẻ.

Cơ hội mới cho vùng đất lưu tên Đà Lạt miền Đông - Ảnh 2.
Những vườn trái cây trĩu quả tại TP Long Khánh luôn thu hút rất đông du khách đến tham quan, trải nghiệm – Ảnh: TP LONG KHÁNH

    Nói về lợi thế, ông Phan Trần Thiên Lý – phó Phòng kinh tế thành phố Long Khánh – cho hay phía tây thành phố hiện kết nối với tuyến đường cao tốc huyết mạch gồm tuyến cao tốc TP.HCM – Dầu Giây (tương lai kết nối vào tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương) qua quốc lộ 1A, còn phía nam kết nối với tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết qua tuyến quốc lộ 56 đi tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

    Các tuyến này được hình thành sẽ rút ngắn thời gian và khoảng cách lưu thông, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận đến TP.HCM, TP Đà Lạt, TP Phan Thiết, TP Vũng Tàu và các tỉnh lân cận.

    Cũng theo ông Lý, nhiều năm qua địa phương đã chú trọng phát triển các loại sản phẩm, trái cây đặc sản như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, mít, bưởi, nấm… với quy mô diện tích hàng ngàn hecta.

    Đồng thời, chính quyền hướng người dân sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp cao để phát triển du lịch sinh thái. Vì vậy, TP Long Khánh đã có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đi đầu trong việc xuất khẩu hạt điều, trái cây sấy… ra thị trường thế giới.

    Cơ hội mới cho vùng đất lưu tên Đà Lạt miền Đông - Ảnh 3.
    Sầu riêng với hương vị đặc trưng của TP Long Khánh được ưa chuộng không chỉ trong nước mà còn được xuất khẩu đi các nước – Ảnh: ĐỖ VĂN CƯ

    Còn theo Phòng văn hóa – thông tin, Long Khánh là nơi hội tụ cư dân của mọi miền đất nước, do đó có đầy đủ các sản phẩm ẩm thực, văn hóa đặc trưng của các vùng, miền.

    Đây cũng là miền đất có bề dày truyền thống với các di tích tiêu biểu được xếp hạng như: di tích quốc gia đặc biệt Mộ Cự thạch Hàng Gòn, di tích Tòa hành chính tỉnh Long Khánh, đình Xuân Lộc – chùa Xuân Hòa… Có nhiều công trình kiến trúc, cảnh quan đẹp như: Đền thờ liệt sĩ thành phố, Tòa giám mục Xuân Lộc, chùa Huyền Trang.

    Cơ hội mới cho vùng đất lưu tên Đà Lạt miền Đông - Ảnh 4.
    Di tích quốc gia đặc biệt Mộ Cự thạch Hàng Gòn là một trong rất nhiều nơi thu hút khách tham quan khi đến TP Long Khánh – Ảnh: HẢI TRIỀU

    Ngoài ra trên địa bàn thành phố Long Khánh, tại các xã Bảo Vinh, Hàng Gòn, Bàu Trâm hàng năm có tổ chức các lễ hội truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số như Lễ hội Sayangva (mừng lúa mới) và Lễ hội Sayangbri (cúng thần rừng) của đồng bào dân tộc Chơro; Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer, Lễ Tả tài phán, Lễ vía bà Quan Âm, Lễ vía ông Quan Đế của cộng đồng người Hoa… đã thu hút nhiều du khách đến tham gia, thưởng thức các món ẩm thực đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số. Đây chính là tiềm năng phát triển văn hóa, du lịch của thành phố.

    Đầu tư hạ tầng, phát triển nhiều mô hình du lịch

    Để khai thác các tiềm năng sẵn có, ông Đỗ Chánh Quang – chủ tịch UBND thành phố Long Khánh – cho biết: “Thành phố Long Khánh sẽ tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

    Trước mắt, tập trung quy hoạch các vùng phát triển du lịch tại các phường, xã: Suối Tre, Phú Bình, Xuân Lập, Bình Lộc và Hàng Gòn. Trong đó, tập trung phát triển mô hình du lịch sinh thái vườn, du lịch trải nghiệm, du lịch xanh… phù hợp với xu thế, nhu cầu gần gũi, thân thiện với thiên nhiên, thưởng thức và chiêm ngưỡng các loại trái cây tại vườn của du khách trong và ngoài nước”.

    Cơ hội mới cho vùng đất lưu tên Đà Lạt miền Đông - Ảnh 5.
    Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đoạn qua TP Long Khánh, cùng với các tuyến cao tốc hiện hữu và sắp xây dựng sẽ giúp TP này có thêm nhiều điều kiện để phát triển kinh tế – xã hội – Ảnh: HẢI TRIỀU

    Cũng theo ông Quang, trong thời gian tới thành phố sẽ có kế hoạch để tiếp tục đầu tư tôn tạo, nâng cấp, phát huy các giá trị di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn. “Địa phương sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng gắn với quảng bá, phát triển du lịch” – ông Quang khẳng định.

    Ông Quang cho biết nhiều cơ hội đang mở ra cho vùng đất được mệnh danh là “Đà Lạt miền Đông”. Bởi hiện nay, theo quy hoạch chung xây dựng thành phố Long Khánh đang chuẩn bị xây dựng tuyến tránh quốc lộ 1 đi qua thành phố dự kiến đi vòng về phía nam thành phố sẽ kết nối với các tuyến giao thông nội thị, tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho việc phát triển kinh tế – xã hội cũng như lưu thông hàng hóa.

    Trục đường quốc lộ 1 hiện hữu chứa đựng rất đa dạng các loại hình công trình về tôn giáo, hành chính, văn hóa, thương mại dịch vụ… nên giải pháp ưu tiên là cải tạo, chỉnh trang nâng cấp từng hạng mục công trình để phát triển trục đường này phù hợp với tính chất là một trong những trục trung tâm lớn của đô thị sau khi xây dựng tuyến tránh thành phố quốc lộ 1…

    Cơ hội mới cho vùng đất lưu tên Đà Lạt miền Đông - Ảnh 6.
    Ông Đỗ Chánh Quang – chủ tịch UBND TP Long Khánh – Ảnh: HẢI TRIỀU

    “Thành phố đã và đang chú trọng phát huy tối đa các nguồn nội lực, tranh thủ mọi nguồn lực từ bên ngoài cho đầu tư phát triển”, ông Đỗ Chánh Quang khẳng định.

    Loading

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *